Tìm cơ hội giữa thị trường việc làm khốc liệt ở Mỹ

Thị trường tuyển dụng cạnh tranh khốc liệt, buộc du học sinh phải có chiến lược sớm nếu muốn tăng cơ hội trước nhà tuyển dụng, theo các kỹ sư và chuyên gia người Việt ở Mỹ.
acementorship
Published on
Tháng ba 7, 2024
share :

Tại hội thảo “Con đường tới Mỹ- Dám thành công” do Ace Mentorship tổ chức ở TP HCM cuối tuần trước, chị Mai Anh, Giám đốc Tài chính chiến lược tại Công ty Instacart, Mỹ, đánh giá thị trường việc làm tại Mỹ hạn hẹp và cạnh tranh khốc liệt hơn hai năm trước.

Theo Cục thống kê Lao động Mỹ, số việc làm mới trong tháng 10 giảm 700.000 so với tháng trước đó, xuống còn 8,7 triệu, là mức thấp nhất kể từ tháng 3/2021.

Chị Mai Anh dẫn báo cáo của Ngân hàng Dự trữ New York, cho thấy sinh viên mới ra trường là nhóm khó tìm việc nhất. Tỷ lệ thất nghiệp của nhóm này hiện ở mức 4,4%, cao hơn tỷ lệ thất nghiệp chung là 3,6%.

Theo các kỹ sư, chuyên gia người Việt đang làm việc ở Mỹ, trong bối cảnh doanh nghiệp cắt giảm chi phí bằng cách sa thải nhân sự, hạn chế tuyển người mới, sinh viên quốc tế buộc phải chuẩn bị sớm và kỹ hơn để có cơ hội trước nhà tuyển dụng.

Chị Mai Anh (phải) và Châu Vũ chia sẻ tại hội thảo, chiều 16/12. Ảnh: Lệ Nguyễn

Chị Mai Anh (phải) và Châu Vũ chia sẻ tại hội thảo, chiều 16/12. Ảnh: Lệ Nguyễn

“Có những sinh viên năm thứ hai đã xây dựng hồ sơ, làm những dự án để có kinh nghiệm, chuẩn bị cho quá trình xin việc”, chị Mai Anh nói.

Đây cũng là lời khuyên của anh Đinh Vũ, Giám đốc Phát triển kinh doanh của tập đoàn Qualcomm, Mỹ. Theo anh, sinh viên có thể tìm kiếm công ty thực tập ngay từ khi mới vào đại học. Việc này nhằm giúp ứng viên nâng cao kỹ năng mềm, trình độ tiếng Anh; kết nối với những người đi trước trong cùng lĩnh vực để trò chuyện, xin lời khuyên về lộ trình tìm việc; xây dựng hồ sơ xin việc và nhờ người đi trước nhận xét, sửa.

Theo anh Nguyễn Văn Đông Anh, kỹ sư cấp cao, phụ trách mảng quảng cáo của Google, phần quan trọng nhất trong bộ hồ sơ xin việc ở Mỹ là bản resume (giới thiệu tóm tắt bản thân) bên cạnh bằng cấp, chứng chỉ. Viết resume không dễ bởi ứng viên phải thể hiện được kinh nghiệm, năng lực, chứng minh mình phù hợp với vị trí đang tuyển một cách rất ngắn gọn.

“Nhà tuyển dụng không biết bạn là ai nên bản resume như bộ mặt đại diện cho bạn. Nhiều bạn có năng lực, kinh nghiệm tốt nhưng không biết cách thể hiện, vuột cơ hội vào vòng phỏng vấn”, anh Đông Anh nói.

Từng xem, sửa resume cho gần 500 người, chị Châu Vũ, nhân viên công ty Gantry ML, Mỹ, nhận thấy nhiều sinh viên có năng lực tốt nhưng viết resume hời hợt. Lúc thị trường rộng mở, những ứng viên này vẫn có cơ hội nhưng hiện nay, nhà tuyển dụng chọn lọc kỹ, ứng viên phải đầu tư tốt hơn, đồng thời tìm thêm nhiều con đường để tiếp cận với các công ty, ngoài cách nộp hồ sơ thông thường.

Theo đó, sinh viên có thể tận dụng cơ hội gặp gỡ doanh nghiệp tại ngày hội tuyển dụng tại trường, các buổi hội thảo, tọa đàm chuyên môn. Một cách hiệu quả để tiếp cận nhà tuyển dụng, tăng xác suất vào vòng phỏng vấn, theo anh Đông Anh, là nhờ người quen, cựu sinh viên của trường đang làm việc ở công ty này, giới thiệu, đề cử bạn với bộ phận nhân sự.

“Các công ty lớn nhận được cả triệu hồ sơ mỗi đợt tuyển và lọc ra vài trăm người để phỏng vấn. Nếu gửi hồ sơ bằng con đường thông thường, xác suất bạn được vào vòng trong rất thấp”, anh Đông Anh chia sẻ.

Anh Đông Anh (ngoài cùng bên trái) chia sẻ kinh nghiệm chuẩn bị hồ sơ xin việc ở Mỹ. Ảnh: Lệ Nguyễn

Anh Đông Anh (ngoài cùng bên trái) chia sẻ kinh nghiệm chuẩn bị hồ sơ xin việc ở Mỹ. Ảnh: Lệ Nguyễn

Từ kinh nghiệm tìm việc của mình, anh Đinh Vũ, khuyên sinh viên tận dụng mạng xã hội Linkedin. Đây là một công cụ hiệu quả để tìm kiếm việc làm và kết nối với những người đã đi làm trong những lĩnh vực bạn quan tâm.

Anh kể đã tìm được công việc hiện tại từ một bài đăng của sếp trên Linkedin với đúng một dòng rằng có một vị trí cần tuyển, ai hứng thú có thể nhắn tin, mà không có JD (bảng mô tả công việc). Nhờ một người bạn, anh Vũ nhìn thấy thông báo đó và đã nhắn trực tiếp cho vị này để giới thiệu về bản thân, gửi hồ sơ.

“Nếu bạn không phải là một người hướng ngoại, quảng giao để có được nhiều mối quan hệ thì hãy tập trung kết nối bền chặt với những người gần gũi với mình, cơ hội có thể đến với bạn nếu biết cách khai thác”, anh Vũ nói.

Bổ sung thêm, anh Đông Anh cho rằng mạng lưới quan hệ rộng để được kết nối, đề cử với nhà tuyển dụng là điều tốt nhưng điều quan trọng nhất vẫn là năng lực, kinh nghiệm cá nhân.

“Nếu năng lực của bạn tệ thì họ cũng không thể đề xuất bạn với nhà tuyển dụng được”, anh Đông Anh nhấn mạnh. Theo anh, kinh nghiệm làm việc liên quan đến vị trí ứng tuyển là điều các nhà tuyển dụng quan tâm nhất. Kinh nghiệm làm việc càng phong phú, ứng viên càng được đánh giá cao.

Kinh nghiệm đến từ các kỳ thực tập doanh nghiệp, dự án nghiên cứu chung với giáo sư tại trường, dự án tại công ty cũ (với học viên sau đại học), cuối cùng là các dự án cá nhân. Nhưng với các dự án cá nhân, anh khuyên ứng viên chỉ nên đưa vào hồ sơ những dự án hay, đầu tư dài hơi. Những dự án nhỏ, mang tính chất ứng dụng, thử nghiệm thường không được nhà tuyển dụng đánh giá cao.

Hiện khoảng 22.000 du học sinh Việt ở Mỹ, gần 48% theo đuổi các ngành STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học). Đây là những ngành học mà sinh viên quốc tế được ở lại làm việc tới ba năm, gấp ba lần thời gian ở lại so với du học sinh ngành học khác.

Nguồn: vnexpress.net

Bạn cần giúp đỡ thêm?
Chúng tôi sẽ kết nối bạn với những mentors, và chúng tôi có nhũng dịch vụ khác nhau phù hợp với nhu cầu của bạn
Bạn cần giúp đỡ thêm?
Sau đây là những bài có thể bạn muốn đọc
Hội thảo "A journey to the US - Dare to Dream" (Hành trình ở Mỹ - Dám Mơ Ước) không chỉ là một cơ hội để chia sẻ những câu chuyện đầy cảm hứng, mà còn là một cổng thông tin quý báu về du học (đặc biệt là bậc...